Những mẹo giúp nắm bắt nghệ thuật trò chuyện xã giao

Bạn sẽ chẳng muốn dành cả buổi tối chỉ để trò chuyện với một người, vậy điều mấu chốt là kết thúc cuộc trò chuyện mà vẫn khiến họ hài lòng. Có một

Cho dù có thoải mái hay sượng sùng trước những cuộc trò chuyện xã giao, bạn cũng không thể thoát được chúng, đặc biệt khi bạn là người làm kinh doanh. Các cuộc nói chuyện xã giao diễn ra ở mọi nơi chúng ta đến, và giúp thúc đẩy những mối quan hệ làm ăn, chính vì vậy, giỏi nói chuyện xã giao là một kỹ năng cần thiết với mỗi chủ doanh nghiệp. Vì bạn chỉ có một vài phút để gây ấn tượng, cuộc trò chuyện đòi hỏi phải làm cho cả hai bên tham gia hứng thú. Một điểm cộng của trò chuyện xã giao là bạn có thể học được kĩ năng này thông qua luyện tập. Càng tiếp cận và bắt chuyện với nhiều người, thì bạn sẽ càng tự nhiên hơn khi trò chuyện.
Nếu nắm bắt được nghệ thuật này, bạn sẽ có khả năng gây dựng các mối quan hệ ở bất cứ nơi nào bạn đến. (Hãy luôn nghĩ rằng: mỗi cuộc hội thoại là một cơ hội). Vậy, làm cách nào để nắm bắt được nghệ thuật nói chuyện xã giao?


1. CHUẨN BỊ CHỦ ĐỀ TRÒ CHUYỆN
Hãy nghĩ về chủ đề bạn định nói trước khi đến bất cứ một sự kiện giao lưu nào. Đừng nói về thời tiết hay giao thông vì một cuộc hội thoại như vậy sẽ chẳng đi đến đâu và chỉ khiến bạn trở thành một người nhàm chán. Thay vào đó, hãy chuẩn bị ít nhất 3 chủ đề định nói phụ thuộc vào sự kiện bạn sẽ tham gia.
Theo Debra Fine trong cuốn sách The Fine Art of Small Talk (tạm dịch: Nghệ thuật trò chuyện xã giao), bà thường hay thực hành trả lời các câu hỏi như “Anh/chị có khỏe không?” hay “Dạo này thế nào?” và chắc chắn rằng câu trả lời đó sẽ cho phép kéo dài cuộc trò chuyện. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là chỉ có một chủ đề để nói trong suốt cuộc trò chuyện. Hãy đảm bảo cuộc trò chuyện của bạn diễn ra thật trôi chảy.
2. ĐẶT CÂU HỎI “CÁI NÀY HAY CÁI KHÁC”
Trong cuốn sách của mình, bà Fine cho biết: Nếu bạn gặp một ai đó rất khó để bắt chuyện, hãy đưa cho họ 2 sự lựa chọn trong cuộc hội thoại. Ví dụ, bạn có thể hỏi họ “Anh/chị lái xe đến hay đi tàu?”, nếu 1 trong 2 cái đúng, họ sẽ nói chi tiết về hành trình của mình. Nếu không có cái nào nêu trên là đúng, họ sẽ trả lời phương tiện thực tế họ đi. Bất kể câu trả lời là gì đi chăng nữa, nó sẽ giúp bạn đặt ra những câu hỏi tiếp theo.
3. CHỦ ĐỘNG LẮNG NGHE VÀ TÌM RA NHỮNG ĐIỂM CHUNG
Hãy lắng nghe người đối diện nói, bất kể bạn đang làm gì thì cũng đừng ngắt lời họ. Khi lắng nghe, hãy cố gắng tìm ra điểm chung giữa hai người và dùng chúng để tiếp nối câu chuyện. Chìa khóa để nhận được sự chú ý từ mọi người chính là tìm ra điểm chung mà bạn có thể kết nối với họ. Mọi người thường thích làm kinh doanh với những người có những điểm tường dồng với họ.
4. CHÚ Ý ĐẾN NGÔN NGỮ CƠ THỂ
Khi tán gẫu với một người bạn mới, hãy chú ý đến những biểu hiện ngôn ngữ cơ thể. Bằng cách nở một nụ cười và duy trì giao tiếp bằng mắt, bạn sẽ một có gương mặt tươi vui và thoải mái. Và khi bạn cười, hãy cười thực sự chứ đừng cười gượng. Theo Jean Baur, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và là tác giả cuốn sách The Essential Job Interview Handbook (tạm dịch: Sổ tay cần thiết cho phỏng vấn xin vệc), bạn nên dùng các cử chỉ tay khi nói vì nó mang đến sự nhiệt tình cho thông điệp bạn muốn truyền tải. Nếu bạn không quen làm điều này, hãy thử làm vậy trong những cuộc trò chuyện hằng ngày. Các cử chỉ bằng tay có thể là công cụ miêu tả hữu ích, nhưng không nên là yếu tố gây mất tập trung.
Cuối cùng, hãy có tư thế nghiêm túc và lịch sự – một điều thể hiện sự tự tin trong giao tiếp. Bà Baur nói rằng: “Khi ngồi trên ghế, luôn nên ngồi trên nửa trước mặt ghế và để hai chân chạm đất”. Bạn có thể hơi hướng người về phía trước và co hai vai để thể hiện mình hứng thú với điều người đối diện đang nói. Bạn cũng nên bỏ những thói quen xấu như là rung chân, vì điều này có thể khiến người khác nghĩ bạn đang không nghiêm túc trong cuộc trò chuyện.
5. KẾT THÚC MỘT CÁCH KHÉO LÉO
Bạn sẽ chẳng muốn dành cả buổi tối chỉ để trò chuyện với một người, vậy điều mấu chốt là kết thúc cuộc trò chuyện mà vẫn khiến họ hài lòng. Có một vài cách bạn có thể dùng như: xin phép vào nhà vệ sinh, hoặc đi lấy chút đồ ăn, đồ uống, hoặc nói rằng bạn cần gặp một đồng nghiệp trước khi họ ra về. Nếu có ai đó khác muốn tham gia cuộc trò chuyện, đây cũng là thời cơ tốt để rút lui, hoặc nếu bạn biết người vừa tham gia vào cuộc nói chuyện, bạn có thể giới thiệu người đó.
Theo Barbara Pachter, tác giả cuốn sách The Essentials Of Business Etiquette (tạm dịch: Những phép lịch sự căn bản trong kinh doanh), hãy bắt đầu trò chuyện với một người có cấp bậc cao hơn. Ví dụ như “Thưa Giám đốc, tôi xin giới thiệu anh/chị với Nhân viên này.” Pachter cũng giải thích rằng, bạn cần là người nói khi rút khỏi cuộc trò chuyện vì điều này cho phép bạn có quyền kiểm soát và rút lui một cách khéo léo. Khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn cần nói một lời “kết thúc” như “Rất vui được gặp anh/chị” hay “Rất vui được nói chuyện với anh/chị” kèm theo tên người đó, vì điều này thể hiện rằng bạn có dành thời gian để nhớ tên người mình trò chuyện cùng.
LỜI KẾT
Một khi bạn nắm chắc nghệ thuật nói chuyện xã giao, bạn sẽ nhận ra rằng, cơ hội có ở mọi nơi bạn đến, mọi lúc bạn trò chuyện với một ai đó. Hãy nhớ rằng, mọi người thường thích nói về bản thân họ, thế nên bạn càng đặt nhiều câu hỏi thì bạn càng nhận được nhiều câu trả lời. Khi người đối diện nói, hãy đảm bảo rằng bạn toàn tâm toàn ý lắng nghe người đó. Bạn càng luyện tập nói chuyện xã giao với nhiều người, trong thang máy, trên phố hay trong cửa hàng tạp hóa, thì bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn khi phải bắt chuyện với một đối tác hay khách hàng tiềm năng.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *